Lượt xem: 517

Chị Trương Thị Bạch Thủy - Người góp phần đưa sản phẩm đan đát xuất ngoại

Từng có ý định bỏ nghề vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhưng với tình yêu, niềm đam mê, chị Trương Thị Bạch Thủy ở Khóm 3, Phường 8, thành phố Sóc Trăng đã khởi nghiệp thêm lần nữa bằng nghề “cha truyền con nối”, không chỉ góp phần làm sống lại làng nghề “đan đát” tưởng chừng như mai một mà còn đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống xuất ngoại thành công.

 


Chị Trương Thị Bạch Thủy giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ảnh: M.LINH

 

    Được sự giới thiệu của Hội LHPN Phường 8, chúng tôi dễ dàng tìm đến cơ sở Doanh nghiệp đan đát Thủy Tuyết, bởi nhiều sản phẩm đan đát như cần xé, mê bồ, rổ, xà ngom… được bày bán ngay tại cơ sở. Trong căn nhà 1 trệt 1 lầu được chị Thủy thuê vừa dùng để ở vừa tận dụng làm kho lưu hàng nên còn rất ít khoảng trống. Tiếp chuyện chúng tôi ngay lối ra vào nhà, người phụ nữ Khmer hoạt bát, lanh lợi không giấu được niềm vui khi khởi nghiệp thành công thêm lần nữa bằng nghề truyền thống của gia đình.

    Vốn sinh ra, lớn lên tại quê hương Bạc Liêu và từng thành công với nghề đan đát nhưng với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, bằng những sản phẩm thay thế từ nhựa, chị đã rời quê lựa chọn nghề khác thay thế mong có cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cái.

    Chị Thủy bộc bạch: “Do có duyên với Sóc Trăng nên vợ chồng mình chọn nơi đây để phát triển với nghề mới là bán cơm phần. Việc buôn bán cũng khá thuận lợi vì cơm chất lượng, không gian lại được trang trí bằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, trúc nên nhiều người rất thích. Những khi có người quen thân ghé chơi cứ khuyên, tại sao mình có tay nghề vững mà lại bỏ, trong khi nhiều người mới chọn khởi nghiệp bằng nghề đan đát? Cộng thêm nhiều mối làm ăn trước đó cứ gọi điện hỏi thăm, lâu quá sao không thấy Thủy đến gom hàng… Cuối cùng vợ chồng mình quyết định chọn khởi nghiệp thêm lần nữa bằng nghề “đan đát”, cái nghề này nó cứ “vận” vào mình như định mệnh vậy, không thể buông bỏ được”.

    Nhờ có vốn nghề từ bé và kinh nghiệm kinh doanh tích lũy được, chị Thủy bắt đầu “khởi nghiệp” và đến nay chị đã thành công, không chỉ giúp cuộc sống gia đình khấm khá mà còn góp phần giúp bà con tại các làng nghề có việc làm, thu nhập ổn định. Theo chị Thủy, quá trình làm lại thật sự rất gian nan nhưng may mắn vì xu hướng “nói không với sử dụng đồ nhựa” để chung tay bảo vệ môi trường ngày càng được lan tỏa. Bên cạnh đó, chị đầu tư tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng để liên tục cho ra những sản phẩm đan đát “hợp thời”. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như cần xé, thúng, rổ, rế nồi, nia, mê bồ, nom, lồng bàn, nôi, bàn ghế… thì hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được ra đời tương tự nhưng với phiên bản thu nhỏ như bội gà, thúng, giỏ cá, đồ đặt cá… dùng để trang trí rất được khách hàng ưa chuộng và hiện có mặt tại thị trường châu Âu.

    Chị Thủy cho biết, các sản phẩm đan đát của cơ sở chị đều được chị thu mua từ các làng nghề thuộc các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Khi mua hàng chị không hề kén chọn mà gom hết cho bà con vì tre, trúc có cây lớn, cây nhỏ, kích thước khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau và sản phẩm cùng loại dù cùng 1 người đan cũng sẽ không đều. Vì vậy, sau khi đem về kho chị sẽ tiếp tục xử lý, phân cỡ, phân loại để cho ra từng sản phẩm riêng biệt cung cấp thị trường trong nước và nước ngoài. Nếu sản phẩm cung cấp cho các resort, nhà hàng dùng để đựng thức ăn thì chị xử lý bằng muối công nghiệp, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nếu dùng trang trí thì xử lý lưu huỳnh chống mối mọt… Công việc nhìn tưởng chừng đơn giản là “mua đi bán lại” nhưng thực chất rất kỳ công và gian nan. Vợ chồng chị thường xuyên di chuyển để kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nhận các đơn hàng mới theo yêu cầu khách để lúc nào người dân làng nghề cũng có việc làm quanh năm, chứ không làm theo mùa như trước đây. Chị Thủy cho biết, mỗi lần khách hàng đặt mẫu mới, chị phải nghiên cứu thật kỹ và tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó sẽ xuống các làng nghề “cầm tay chỉ việc” lại cho bà con để cho sản phẩm ưng ý nhất và mỗi làng nghề chị sẽ chọn đặt hàng các sản phẩm khác nhau để nâng cao tay nghề cho người dân. Chị Thủy cho biết, cơ sở chị định kỳ 2 tuần gom hàng 1 lần tại các làng nghề, mỗi hộ gia đình bình quân có thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát.

    Hiện tại, cơ sở chị có trên 100 sản phẩm các loại, tất cả đều được làm từ tre, trúc do các làng nghề trong và ngoài tỉnh cung cấp. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, tùy theo loại nhưng sản phẩm càng nhỏ thì giá càng cao bởi đòi hỏi tính thẩm mỹ và công người làm nghề bỏ ra là rất lớn. Hiện chị cũng không trực tiếp đưa được các sản phẩm ra nước ngoài mà chỉ thông qua các công ty, doanh nghiệp. Nhưng chị quyết tâm tiếp tục phát triển nghề truyền thống, kết nối, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới… đặc biệt với phong trào “nói không với rác thải nhựa” ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhất là mức sống người dân ngày càng cao, họ hướng đến sống thân thiện với môi trường, gần gũi thiên nhiên.

    Hy vọng một ngày không xa, các sản phẩm đan đát sẽ trở thành sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình, góp phần giúp người dân ở các làng nghề phát triển ổn định, vươn lên làm giàu bằng nghề truyền thống của gia đình.

M.LINH



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 403
  • Trong tuần: 70,830
  • Tất cả: 11,802,837